“Nông sản Việt tự cho mình là cô gái quê danh giá”

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico, nông sản Việt tự cho mình là cô gái quê danh giá ngồi chờ người đến "tán tỉnh", hỏi mua.

Khởi nghiệp là một thương lái làm thương mại với Trung Quốc từ những năm 1997, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico cho biết đã từng có thời điểm xuất sang thị trường này 200-300 tấn hàng nông sản mỗi ngày. Tuy nhiên, bà Thực nhận định, nông sản Việt Nam muốn bán hàng cần phải đi ra chợ và một trong những cái chợ lớn nhất thế giới hiện nay chính là Trung Quốc.

"Nhưng có thể nói rằng, chúng ta không có gian hàng nào ở đó, chỉ ngồi ở nhà chờ họ đến mua. Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang", bà Thành Thực phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico

Theo bà Thực, thương lái chỉ làm với kinh nghiệm. Bà con nông dân Lục Ngạn có được thành công nhờ kinh nghiệm từ thương lái của Trung Quốc. Kinh nghiệm cho thấy, mua vải thiều không mua trước 7h sáng, và sau 10h trưa để tránh vải tồn và tránh quả vải bị nóng từ mặt trời. “Để đảm bảo những câu chuyện cụ thể đó cần các nhà khoa học số hoá từng đặc điểm của nông sản để hỗ trợ nông dân”, bà Thực nói.

Do đó, bà Thực cho rằng “át chủ bài” cho nông nghiệp là người dẫn dắt thương mại, đây cũng là người quyết định khâu sản xuất. “Với tốc độ phát triển công nghệ thông tin thì chợ thương mại điện tử sẽ là tương lai. Sản xuất nguyên liệu-chế biến- tiêu thụ, nếu chúng ta dẫn đắt được bán hàng sẽ làm chủ được sản xuất và chế biến”, bà Thực nói.

Có cùng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, đại diện Central Group cho rằng, cần chú trọng quy trình quản lý chất lượng và tốt nhất để tự người nông dân tự làm. Khi họ hiểu được điều đó là cần thiết họ sẽ thay đổi phương thức sản xuất. "Chúng tôi đang phối hợp với nông dân để hỗ trợ họ mở rộng quy mô sản xuất", ông cho hay.

Ông Hải nói tiếp, nếu chúng ta muốn đảm bảo người nông dân xuất khẩu đều đặn, điều quan trọng nhất với họ là làm thế nào để tạo vốn cho việc xuất khẩu. Hiện nay có rất nhiều quy định liên quan đến thanh toán. "Với thực tiễn chúng tôi thấy, có lẽ phải mất 30-45 ngày để hộ dân được thanh toán sau khi đã giao hàng", ông Hải nhận xét.

Do đó, theo ông, Chính phủ cần làm việc chặt chẽ với các ngân hàng, để người nông dân có cơ hội được cấp vốn. "Đặc biệt khi người nông dân có nguồn thu nhập từ các đơn vị bán lẻ lớn như chúng tôi chẳng hạn thì cần đảm bảo nguồn đó", ông nói.

Nguồn : DĐDN

 (0)

Bạn đã có một tài khoản? Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading
Đang tải thêm dữ liệu loading